Bước sang một giai đoạn chuyển đổi mới, bức tranh kinh tế thế giới năm 2014 trở nên sáng sủa hơn khi những nỗ lực trong việc điều hành chính sách kinh tế của các quốc gia phần nào đạt được kết quả mong muốn; kinh tế thế giới từ nay đến năm 2015 có triển vọng phục hồi khá, với sự phục hồi của phần lớn các nền kinh tế dẫn dắt đà tăng trưởng của kinh tế thế giới như Mỹ, Nhật Bản và phần lớn các nền kinh tế đang nổi và sự phục hồi của các lĩnh vực chủ yếu của kinh tế thế giới như thương mại, đầu tư.
Đây là bước tạo đà cho nền kinh tế thế giới lấy lại đà tăng trưởng cho giai đoạn 2015-2020 với sự phục hồi tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế dẫn dắt đà tăng trưởng của kinh tế thế giới (bao gồm Mỹ, EU, Nhật Bản,…) và của các lĩnh vực chủ yếu kinh tế thế giới như thương mại, đầu tư. IMF (1/2014) dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ở mức 3,7% vào năm 2014, 3,9% vào năm 2015. Sang giai đoạn 2016-2018, nền kinh tế thế giới đều có mức tăng trưởng trên 4%. Cùng xu hướng đó, bằng việc sử dụng mô hình NiGEM, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (Trung tâm) đưa ra mức dự báo khá sát với các con số dự báo của IMF (Biểu đồ 1, Bảng 1).
Bảng 1. Tăng trưởng kinh tế thế giới 2014-2020 (%)
Nguồn: Tính toán của Nhóm nghiên cứu theo mô hình NiGEM
1. Triển vọng tăng trưởng của một số nền kinh tế dẫn dắt đà tăng trưởng của kinh tế thế giới
Kinh tế Mỹ, trong năm 2013 đã khởi sắc, thị trường việc làm cũng có nhiều dấu hiệu khả quan, do đó FED quyết định cắt giảm dần gói QE3. Theo đó, sau khi cắt giảm số tiền mua trái phiếu hàng tháng từ 85 tỷ USD xuống còn 75 tỷ USD vào tháng 1/2014 thì FED tuyên bố sẽ tiếp tục thu hẹp gói cứu trợ QE-3 xuống còn 65 tỷ USD mỗi tháng trong biên bản cuộc họp ngày 19/2/2013. Với đà nền kinh tế tiếp tục đi đúng hướng và thị trường lao động về tổng thể diễn biễn tích cực, dự báo nền kinh tế mỹ sẽ tăng trưởng ở mức 2,8% vào năm 2014, 2,7% vào năm 2015 và đạt mức 3,1% cho giai đoạn 2016-2020.
Khu vực châu Âu đến năm 2015 sẽ phục hồi ổn định với mức tăng trưởng GDP của khu vực Eurozone đến năm 2015 sẽ tăng 1,4% dựa trên sự tăng trưởng mạnh của các lĩnh vực như đầu tư và xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, các vấn đề đáng quan ngại như lạm phát, thất nghiệp của khu vực sẽ dần được giải quyết. Dự báo đầu tư của khu vực Eurozone đến năm 2015 sẽ chiếm 18,204% GDP, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 3,7%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 3,461% trong khi tỷ lệ lạm phát sẽ là 1,465%; thất nghiệp cải thiện hơn chút ít (chiếm 11,9% lực lượng lao động).
Từ năm 2015 đến 2020 sẽ là thời kỳ tăng trưởng kinh tế được tăng tốc hơn tại khu vực này. Cụ thể, đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng GDP của EU-27 và khu vực Eurozone tương ứng là 1,8% và 1,5%, và cho giai đoạn 2016-2020 tương ứng là 2,3% và 2,2%. Dự báo này căn cứ vào việc dự kiến tăng trưởng đầu tư của khu vực sẽ ở mức 20,2% GDP, thâm hụt ngân sách trở về mức 2,1% GDP, nợ công trung bình đạt 97% GDP, tổng tiết kiệm quốc gia đạt 17,4% GDP,…
Kinh tế Nhật Bản đã đạt được một số kết quả nhất định năm trong năm 2013 nhờ chính sách nới lỏng tài khóa và tiền tệ của thủ tướng Abe. IMF (1/2014) đã nâng dự báo tăng trưởng Nhật Bản năm 2014 lên 1,7% nhưng dự đoán tốc độ này sẽ chậm lại xuống còn 1% trong năm 2015 do các biện pháp cải tổ cấu trúc để bảo vệ đà phục hồi không triệt để. Năm 2016, con số này có thể tăng lên 1,2% nhưng sẽ giảm xuống 1,1% trong hai năm tiếp theo là 2017 và 2018. Trung tâm dự báo nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng ở mức 1,4% vào năm 2014, 1,2% vào năm 2015 và 0,9% cho giai đoạn 2016-2020.
Đối với nền kinh tế Trung Quốc, IMF (1/2014) quan ngại vấn đề về biến động thị trường tài chính và tình hình nợ công ở quốc gia này. Theo đó, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc 2014 tăng 7,6% và năm 2015 nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới chỉ tăng 7,3% nếu quốc gia này không giải quyết được các vấn đề như cầu nội địa và đưa ra những chính sách kinh tế phù hợp. Trong dài hạn, kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục hạ nhiệt và duy trì ở mức 7%/năm từ năm 2016-2020 . Để đạt mục tiêu này, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức như cạnh tranh toàn cầu về vốn, tài nguyên và khả năng tham gia các tổ chức quốc tế như G-7, cũng như giải quyết được các vấn đề nội tại trong nền kinh tế và “Đại cải cách kinh tế” thành công. Với việc đưa thêm giả định Trung quốc tăng dần tỷ giá hối đoái mục tiêu giữa đồng Nhân dân tệ so với đồng USD, ở mức 2,5%/năm cho giai đoạn 2014-2016, dự báo nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng ở mức 7,2% vào năm 2014, 6,9% vào năm 2015 và 6,8% cho giai đoạn 2016-2020 (Biểu 1, Bảng 1).
Tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế đang nổi nhìn chung có xu hướng phục hồi khá từ 2015 đến năm 2020. Trong đó Braxin sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 3,2% trong năm 2015 và 3,1% trong năm 2020. Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng 5% trong năm 2015 và 4,3% trong năm 2020. Hàn Quốc có tốc độ tăng trưởng khoảng 3,5% trong năm 2015 và 3,6% trong năm 2016. Xingapo có tốc độ tăng trưởng 4,4% trong năm 2015 và 5,4% trong năm 2020.
2. Triển vọng của một số lĩnh vực chủ yếu của kinh tế thế giới
Thương mại thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 5,1% vào năm 2014, 5,4% vào năm 2015 sau đó tăng lên các mức 5,7%, 5,9% và 6% tương ứng cho các năm 2016, 2017 và 2018. Thương mại thế giới trong giai đoạn 2015- 2020 sẽ chiếm khoảng 30% -35% GDP của toàn thế giới và có xu hướng tăng qua các năm. Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ được xem là những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại cao nhất trong giai đoạn này, bình quân khoảng 22%/năm, trong khi, lượng nhập khẩu được dự báo sẽ đạt khoảng 18,5%/ năm. Trong giai đoạn này,thương mại nội khối châu Á sẽ có tầm ảnh hưởng lớn đến cầu thế giới. Khu vực Trung Đông, Bắc Mỹ và TIểu vùng Sahara sẽ có những thay đổi đáng kể trong việc mở cửa thương mại, do đó, khu vực này sẽ đóng vai trò lớn trong việc lắp ráp và sản xuất hàng hóa. Trong các mặt hàng xuất khẩu, máy móc và linh kiện vận tải sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các mặt hàng xuất khẩu trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, các nước phát triển sẽ tiếp tục thặng dư trong việc xuất khẩu dịch vụ sang khu vực ChâuÁ Thái bình dương, và điều này sẽ giúp cho việc thương mại dịch vụ được phát triển nhanh chóng.
Do các điều kiện kinh tế vĩ mô của các nước được cải thiện và các nhà đầu tư lấy lại niềm tin trong trung hạn, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên thế giới được dự báo sẽ đạt mức 1,6 nghìn tỷ USD vào năm 2014 và 1,8 nghìn tỷ USD vào năm 2015. Tuy nhiên, những rủi ro vẫn còn lớn như sự yếu kém của cấu trúc hệ thống tài chính toàn cầu, mức độ không chắc chắn về chính sách của các khu vực chủ yếu của nền kinh tế thế giới còn lớn, môi trường kinh tế vĩ mô có khả năng xấu đi,… khiến các nhà đầu tư mất niềm tin có thể dẫn đến sự sụt giảm dòng FDI. Mặc dù vậy, các quốc gia đang phát triển được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng cao về tầng lớp trung lưu, điều này sẽ khiến cho dòng vốn FDI chuyển hướng từ việc đặt nhà máy sản xuất để phục vụ xuất khẩu sang việc phục vụ nhu cầu nội đia. Cùng với đó, xu hướng tầng lớp trung lưu của các quốc gia đang phát triển sử dụng dịch vụ nhiều hơn, điều này cũng sẽ tạo ra xu hướng đầu tư từ khu vực sản xuất sang khu vực dịch vụ. Dòng FDI thế giới được dự báo có xu hướng hồi phục dần và ổn định vào các năm tiếp theo và đạt khoảng 4% GDP thế giới từ năm 2018-2020.
Đối với lĩnh vực tài khóa tiền tệ, cho đến năm 2015, tình hình ngân sách và nợ công của các nền kinh tế trên thế giới được dự báo sẽ không có nhiều cải thiện đáng kể. Đến năm 2015, IMF dự báo thâm hụt ngân sách trung bình của các nền kinh tế trên thế giới ngân sách sẽ không thay đổi nhiều từ mức 3,0% GDP của năm 2014. Các nền kinh tế phát triển sẽ có mức thâm hụt ngân sách năm 2015 (2,9%/GDP) giảm đáng kể so với năm 2014 (3,6%/GDP) nhờ những nỗ lực thắt chặt tài khóa. Tỷ lệ thâm hụt ngân sách của nền kinh tế Nhật Bản vẫn đứng đầu các nền kinh tế phát triển với mức thâm hụt ngân sách được dự báo cho 2 năm 2014 và 2015 lần lượt là 6,8%; 5,7% GDP. Tại các nền kinh tế đang nổi và đang phát triển, tỷ lệ thâm hụt ngân sách được dự báo ở mức 2,5% năm 2014 và 2015, trong đó, con số của các nền kinh tế châu Á được dự báo trung bình ở mức 3,1% năm 2014 và 2,6% năm 2015. Đến năm 2020, tình hình thâm hụt ngân sách của các nền kinh tế trên thế giới có nhiều cải thiện hơn, tuy nhiên nợ công sẽ vẫn ở mức cao. Cụ thể, thâm hụt ngân sách tại Mỹ và Nhật Bản được dự báo lần lượt là -6,9% và 4,1%, nhưng nợ công vẫn gần như không có nhiều cải thiện, với 257% và 115%GDP. Trong khi đó, nhờ các nỗ lực thắt chặt tài khóa, thâm hụt ngân sách và nợ công của khu vực châu Âu sẽ được cải thiện đáng kể, cụ thể lần lượt ở các mức 2,1% GDP và 97%GDP.
Thị trường lao động việc làm thế giới được dự báo sẽ chưa có nhiều cải thiện trong thời gian tới. Theo báo cáo ILO , nếu xu hướng này còn tiếp diễn, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu sẽ dần xấu đi và số lao động thiếu việc làm có thể sẽ lên tới hơn 215 triệu vào năm 2018 (Bảng 2). ILO dự báo khoảng 40 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra mỗi năm, ít hơn con số 42,6 triệu người được kỳ vọng sẽ tham gia vào thị trường lao động hàng năm. Nếu tính đến tăng trưởng dân số ở độ tuổi lao động thì tỷ lệ việc làm sẽ không thể phục hồi cho đến năm 2018. Tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu sẽ không thể thay đổi nhiều trong vòng 5 năm tới, có thể sẽ tăng 0,5% điểm so với trước thời kỳ khủng hoảng.
Bảng 2: Thất nghiệp theo khu vực năm từ năm 2014-2018 (Triệu người)
Trích nguồn:
Tác giả: TS. Lương Văn Khôi và Nhóm nghiên cứu Ban KTTG
Theo ncseif.gov.vn